Cúng dường đúng pháp

( Bài viết này, mình không chia sẻ lên trang cá nhân như những bài khác, mình viết 1 mạch bằng trí nhớ mà chưa kiểm tra lại hết nguồn thông tin, các bạn đọc hiểu bằng ý nhé)

Chuyện ngài Minh Huệ gần đây, chắc hẳn ai quan tâm đều biết. Có quá nhiều bài viết phân tích về chính quyền, mình xin phép không nhắc tới, mình muốn viết về những người dân như mình, về chuyện ” Cúng dường đúng pháp”- điều mà mình ít thấy có ai nhắc đến.

Mình và chồng được tiếp cận với Kinh Nikaya sau một thời gian tìm hiểu Phật Giáo đúng những ngày này 4 năm trước, khi mình quyết định nghỉ việc vào Lâm Đồng cùng chồng, mình và chồng ở một tịnh thất nhỏ cách xa khu dân cư sinh sống.

Ở đó, có cả 2 nhóm: các thầy theo Bắc truyền – và 2 sư theo Nam truyền, và đặc biệt một vị đã từng theo Bắc Tông- rồi qua Myanmar chuyển sang làm sư Nam truyền, rồi sau đó xả giới sư – khá giống với hành trình tu của ngài Minh Huệ.

Được may mắn chứng kiến sự khác biệt đó, thực sự là một may mắn lớn đối với vc mình. Và có thể cũng vì vậy, khi nghe những câu chuyện về ngài Minh Huệ, với góc nhìn của mình, việc ngài lại không tự nhận mình là sư – mặc dù ngài cố gắng thực hành đúng pháp nhất có thể- là một điều đáng trân trọng, và cũng rất đúng đắn. Đúng theo pháp chính thống của Phật Giáo nguyên thuỷ chứ không chỉ đơn thuần là sự khiêm tốn hay rất nhiều lí do khác nữa mà mình đọc được.

Vì sao ngài Minh Niệm không gọi mình là “sư” – là một điều đúng pháp

Tu tập ở trường thiền

Thông thường, các nhà sư sẽ tu tập trong khuôn khổ của trường thiền, khất thực quanh khu trường thiền mỗi ngày 1 lần, và sau đó quay lại trường thiền. Khi thực hành trong trường thiền, các nhà sư vừa phải thực hành đúng giới luật nghiêm chỉnh, được hướng dẫn tu đúng cách, và một điều cực kỳ quan trọng, là được giải đáp về những thắc mắc trong kinh điển một cách rốt ráo.

Trong quá trình tu tập ở trường thiền, việc các nhà sư vi phạm các giới luật là điều liên tục xảy ra, những lúc như vậy, sẽ có nhóm sư có kinh nghiệm, bằng cấp, và cả hạnh ngộ, chứng cho nhà sư đó về các giới luật mà nhà sư vi phạm thì nên xử lí ra sao.

Vừa để giữ tôn nghiêm cho tăng đoàn, và quan trọng là giúp cho vị sư đó liên tục thăng tiến trên con đường tu tập – tránh ” trạo cử” cho các vị đó, chứ không phải là để buộc tội. Trừ những tội phạm phải quá nặng sẽ dẫn đến việc tước bỏ làm sư lần đó, hay thậm chí là không thể trở thành nhà sư trở lại trong đời sống này.

Tu tập theo hạnh đầu đà

Khác với tu tập trong tăng đoàn là những người tu theo hạnh đầu đà, nghĩa là đi khất thực đường dài như ngài Minh Tuệ mà các bạn được biết. Điều đó đồng nghĩa với việc tiếp xúc với rất nhiều người dân.

Những lúc như vậy, các sư thường có một người là người dân bình thường đi theo, được gọi là ” hộ pháp” cho thầy đó. Những người hộ pháp sẽ giúp các sư nhận cúng dường liên quan đến tiền bạc, vì các sư chỉ được nhận đồ ăn thức uống, và bắt buộc phải nhận trong bình bát.

Ngoài ra, hộ pháp là người giúp các sư nói chuyện với người dân, trả tiền đi xe trong những lúc cần. Và đặc biệt là trong những lúc các sư bị bệnh thì nhiều giới luật liên quan đến ăn uống hay khất thực, hay việc chạm trực tiếp vào cơ thể sư vvv, sẽ được giảm bớt, và những lúc đó cần có hộ pháp đi theo.

Những người hộ pháp, họ đơn thuần tuân theo 5 giới thông thường của con nhà Phật, nhưng đặc biệt họ rất thông thạo giới/ luật của nhà sư. Vì phải thông thạo mới có thể giúp đỡ sư thăng tiến trong con đường tu tập, cũng như không mất niềm tin vào người sư mà mình đi theo hộ pháp.

Vì chắc chắn trên con đường tu tập, sư vẫn chưa là bậc thánh, sư vẫn có thể phạm giới, và hộ pháp họ hiểu điều đó để giúp đỡ sư.

Không phải sư nào cũng may mắn có hộ pháp đủ căn cơ như vậy để đồng hành, cho nên nhiều người chọn việc khất thực tại những nơi đã quen với phong tục khất thực cho các vị sư, hoặc họ lựa chọn xả giới trong quá trình khất thực để tránh việc phạm giới mà không có người chứng.

Tỳ kheo hoàn tục/ xuất gia tối đa 7 lần

Các bạn theo dõi ngài Minh Huệ có lẽ đã bắt đầu quen với điều này. Đó là việc một vị tỳ kheo có thể hoàn tục/ xuất gia tối đa 7 lần.

Chính vì sự khắt khe trong giới luật, nên việc xả giới sư, nghĩa là không được gọi là sư nữa, là một lựa chọn của rất nhiều người nam.

Họ có thể đơn thuần muốn trở thành sư trong vài ba năm để rèn luyện hạnh ngộ trong đời sống sau đó quay lại là người dân thường thực hành 5 giới luật. Điều này rất phổ biến ở Thái Lan.

Họ có thể xả giới vì cảm thấy mình chưa đủ căn cơ tu tập.

Và rất nhiều trong trường hợp đó, là xả giới khi ở một nơi chưa hiểu về đúng pháp để tránh cản trở quá trình tu tập, và đặc biệt là ” tránh tổn phước cho người dân.

Có nên gọi sư là sư không khi sư đã xả giới

Có rất rất nhiều người nói về vấn đề này theo cách: vì ngài Minh Tuệ thực hành đúng pháp, vì ngài là một bậc tôn kính, vì mình muốn gọi là sư dù sư không nhận, vân vân.

Thực lòng thì cái đó tuỳ mọi người các bạn thích gọi sao cũng được, nhưng cá nhân mình chỉ gọi ai đó là sư khi họ nhận họ là sư, gọi là thầy khi họ gọi họ là thầy (trong Phật Giáo), gọi họ như cách gọi của người đời nếu họ đang là cư sỹ theo đúng pháp, dù mình có trân quý hay tôn trọng người đó như thế nào.

Đối với mình đó là việc mình tôn trọng quyền lựa chọn của họ tại thời điểm đó. Họ đã không muốn nhận là sư thì không nên gặng ép- họ có lí do cả đấy ạ.

Vì sao chúng ta chưa biết cúng dường đúng pháp

Ở Việt Nam, chúng ta không được dạy về những điều đó, và đặc biệt là việc thực hành cúng dường đúng pháp. Rất dễ hiểu vì Việt Nam vẫn chưa hẳn là một đất nước Quốc Giáo Phật Giáo Chính Thống như Myanmar hay Thái Lan.

Cúng dường không đơn thuần chỉ là thấy sao cúng vầy, mình được cúng cho thầy/ sư là mình có phước, nên là cố gắng tranh cho trúng lượt mình.

Cũng không chỉ đơn giản là chuyện thành tâm là được. Thành tâm không thôi là chưa đủ.

Mọi người nói nhiều về việc các thầy/ sư thực hành đúng pháp, mà không nói về việc người dân thì như thế nào, nó có ảnh hưởng ra sao đến tu tập của các thầy/ sư, và hơn hết là ảnh hưởng đến phước phần của chính chúng ta.

Nghe thì có vẻ rất ” bài vở”, “sáo rỗng”, nhưng có thể nói, việc cúng dường không đúng pháp một cách vô tội vạ là một hệ luỵ lớn dẫn đến câu chuyện đáng buồn của hành trình tu tập của đoàn ngài Minh Tuệ.

Vầy thì cúng sao cho “đúng pháp”:

Thành thật, bản thân mình biết không đủ sâu đề có thể đưa ra những kiến thức đủ rốt ráo cho mọi người, nhưng với hiểu biết hạn hẹp của mình, những điều sau có thể sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về việc cúng dường đúng pháp.

Cúng dường/ hộ pháp của người cư sỹ bao gồm:

  • Hỗ trợ các phương tiện và điều kiện sống cho Tăng đoàn.
  • Hỗ trợ về không gian tu.
  • Giữ gìn những phương tiện có liên quan đến Tam bảo như kinh điển, chùa chiền, thanh danh đạo Phật, v.v…(3).

Khi trực tiếp diện kiến với các nhà sư, các bạn cần để ý thêm:

  • Các sư chỉ khất thực đồ ăn đủ trong bình bát và ăn trong ngày mà không tích trữ
  • Không cúng trực tiếp tiền cho nhà sư, các nhà sư chỉ nhận thức ăn và nước uống để trong bình bát.
  • Khi hỏi pháp trực diện nhà sư, mình cần phải ngồi thấp hơn sư một bậc dù nó chỉ là 1 cục gạch. Đối với người nữ, không thể đứng chung với sư khi chỉ có 2 người. Luôn đi cùng một người khác khi diện kiến.
  • Bất kỳ khi đem một vật nào đó cho sư, đặc biệt là người nữ, luôn phải để trên một cái khay và sư sẽ cầm cái khay đó. Thậm chí sư sẽ không cầm vào trực tiếp đồ vật mình đưa để tránh va chạm. Theo như mình được nghe kể, ở Thái Lan, cả tiếp viên hàng không đi lấy và nhận passport của các nhà sư, họ cũng sẽ biết lấy 1 cái khay để nhà sư để passport vào.
  • Khi các sư khất thực, đứng hai bên đường chở để sư đi qua xin và để vào bình bát của sư. Không có chuyện xen lấn xô đẩy để xin phước. Việc bạn có lòng cúng dường cho các sư, cũng đã là một phước báu.

Một vài bài đọc nói về việc hộ pháp:

https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha557.htm

https://giacngo.vn/su-ho-phap-cua-nguoi-cu-si-xua-nay-post26506.html

https://giacngo.vn/nguoi-phat-tu-viec-ho-phap-post49117.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *