Ngưng cho con bạn xem CoComelon ngay và đây là lí do!

Cocomelon là một chương trình đang gây ra rất nhiều tranh cãi của các phụ huynh có con nhỏ lẫn chuyên gia tâm lý trẻ em. Có thể nói đây là chương trình mang tính “giải trí” cao cho trẻ em nhưng thiếu tính “giáo dục” nghiêm trọng.
Với giá trị hàng tỉ đô, những người điều hành Cocomelon chỉ ra sức phân tích để đạt được lợi nhuận tối đa, tìm cách giữ chân người xem lâu nhất- và trong trường hợp này-là trẻ em.
Cùng Omayzing tìm hiểu lí do vì sao bạn lại phải ngưng cho cho bạn xem Cocomelon ngay hôm nay nhé!
Sự ra đời của kênh CoComelon
CoComelon bắt đầu hoạt động từ năm 2005, với tư cách là đứa con tinh thần của một người cha hai con người California, Jay Jeon. Anh đã tạo một kênh YouTube với người vợ là tác giả sách thiếu nhi của mình để tải lên các hoạt hình âm nhạc giáo dục. Ban đầu có tên là ABC Kid TV, kênh đã phát triển và những gì bắt đầu là một loạt video mô tả các bài hát mà cặp đôi này hát cho con mình nghe, đã trở thành một chương trình thực sự bùng nổ.
Sau đó, Cocomelon đã được MoonBug Entertainment- Founder Mayer, Staggs- cực quản lý cấp cao từ Disney mua lại với giá trị tới 3 tỉ USD- theo Bloomberg.
CoComelon phổ biến đến mức nào?
CoComelon là chương trình phổ biến thứ 3 trên Youtube của toàn thế giới, nên cũng có thể nói được xem như là chương trình phổ biến nhất cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo của Nielsen, CoComelon hiện đang phát trực tuyến trên Netflix và đã đạt 33,3 tỷ phút xem tại Hoa Kỳ vào năm 2023.
Bây giờ, không chỉ dừng lại ở một kênh của gia đình, theo Times, CoComelon cũng có đội ngũ chuyên gia đông đảo được giao nhiệm vụ duy trì sự phổ biến của loạt phim. Bất cứ khi nào một tập phim mới được thêm vào YouTube, một nhóm phân tích dữ liệu sẽ có mặt để suy ra mức độ phổ biến của tập phim đó, khai thác dữ liệu để cho ra những tập phim sau đó.
Một điểm cộng của Cocomelon là vì những hoạt động mà Cocomelon sử dụng trong video thường là những thứ mà gia đình thường làm ở nhà cùng trẻ, một phần khiến trẻ cảm thấy khá quen thuộc, gần gũi. Những bài hát của chương trình này sử dụng có giai điệu phổ biến, như The Wheel On The Bus ( đạt 6.6 tỉ view tính tới thời điểm 10/2024 khi mình viết bài này).
Vì sao trẻ không ngừng muốn xem CoComelon
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Patricia Britto, người giải thích rằng có thể có những lý do sinh lý khiến trẻ em không thể ngừng xem CoComelon. Bà cho biết “Hoạt hình CoComelon có màu sắc tươi sáng, hình ảnh sống động và hình ảnh chuyển động mượt mà có thể kích thích mạnh mẽ các vùng não của trẻ em, chẳng hạn như thùy chẩm và thùy thái dương”.
Tìm kiếm trên Reddit chia sẻ những câu chuyện kinh hoàng về việc nuôi dạy con cái khi cố gắng tắt Cocomelon. Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng họ trở nên lo lắng về Cocomelon sau khi thấy những bà mẹ khác trên TikTok chia sẻ về việc họ nghĩ chương trình này có hại như thế nào đối với con mình.
Jerrica Sannes (một chuyên gia về phát triển trẻ em có bằng Thạc sĩ Y khoa về trẻ nhỏ) là một trong những người đầu tiên lên tiếng bày tỏ mối quan ngại. Trên Instagram, Sannes viết: “Cocomelon có tính kích thích quá mức đến mức nó thực sự hoạt động như một loại thuốc, như một chất kích thích. Não bộ nhận được một liều thuốc dopamine từ thời gian xem màn hình, và thời gian này càng lâu thì liều thuốc này càng mạnh.
So sánh CoComelon với các kênh khác:
Rất nhiều ý kiến trung lập hoặc ủng hộ CocoMelon, trong đó có cả nhiều chuyên gia, cho rằng, dù là chương trình truyền hình nào, thì cho trẻ em xem nhiều đều có thể gây nghiện. Miễn là cha mẹ cần phải giới hạn thời gian xem cho trẻ là trẻ sẽ không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, rất nhiều trẻ sau khi xem Cocomelon còn có thể hát theo được nhiều bài hát của chương trình. Ở Việt Nam, mình cũng đọc được rất nhiều bình luận về việc chương trình này giúp con có thể nói và hát được tiếng anh nữa.
Nghe cũng rất hợp lý đúng không nào.
Nhưng hãy phân tích 2 khía cạnh của CoComelon khi đem so sánh với các chương trình khác.
Tốc độ chuyển cảnh quá nhanh
Một tài khoản tên là @thecircusbrain trên Tiktok đã đưa ra so sánh tốc độ chuyển cảnh của CoComelon với một chương trình nổi tiếng khác là The Little Pony.
Với The Little Pony, thì tốc độ chuyển cảnh là khoảng 3-4 giây, còn với Cocomelon, thì là 1-2s, và đa số là 1s.
Nghĩa là cứ mỗi giây, màn hình lại chuyển sang một cảnh mới, kích thích não trẻ hoạt động một cách liên tục quá mức.
Tương phản màu sắc quá mức
Màu sắc tương phản cao của CoComelon cũng là một vấn đề đáng chú ý được nhiều cha mẹ đề cập và bàn luận.
Vốn dĩ các chương trình hoạt hình thông thường đều có sự khác biệt so với màu sắc của thế giới thực. Đó là lí do vì sao trẻ dành thời gian nhiều cho màn hình sẽ có xu hướng ít quan tâm đến môi trường xung quanh, làm giảm hứng thú với các hoạt động ngoài trời.
Đã vậy, CoComelon là một chương trình sử dụng hình ảnh cao quá mức, nhiều chuyên gia sử dụng từ “overstimulation” trong trường hợp này.
Cocomelon có mang tính giáo dục?
Các bác sĩ nhi khoa tại Đại học Michigan khuyên các bậc phụ huynh nên cân nhắc rằng, nói chung, từ mô tả “giáo dục” được áp dụng cho các ứng dụng và chương trình không có nghĩa là chúng mang tính giáo dục. “Đối với trẻ nhỏ, không có hoạt động nào trên màn hình mang tính giáo dục bằng việc nói chuyện, hát hoặc chơi với bạn”, các chuyên gia y tế kết luận.
Các bạn cần hiểu rằng, việc tìm kiếm một chương trình phù hợp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, không đơn thuần dừng lại ở việc nội dung có mang tính bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi hay không.
CoComelon đối với trẻ em giống như việc người lớn xem Tiktok.
Bạn hiểu cảm giác lướt video dạng ngắn một cách mất kiểm soát, thậm chí là không chắc mình đang xem gì đúng không? Và chắc chắn rằng ảnh hưởng của nó đối với não bộ trẻ em là lớn hơn rất nhiều so với người lớn.
CoComelon nó không còn được xếp vào chương trình “thú vị” nữa, mà thực sự nó còn có khả năng “ thôi miên” trẻ nhỏ.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này!