Làm tất cả vì con

Làm tất cả vì con

Là một cụm từ mà có thể không phải là tất cả, nhưng rất nhiều bạn 9x như mình cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi nghe đến. 

Những gì nhiều bạn nghĩ trong đầu, hoặc thậm chí là phản biện ra khi nghe đến nó là “phải nghĩ đến chính ba mẹ nữa đi”, đừng lúc nào cũng là “vì con”, “vì con” như thế. Con mệt mỏi lắm rồi. 

Cho đến khi thực sự làm mẹ, trải qua quá trình sinh con, nuôi con, dạy con, mình mới vỡ lẽ ra rằng, “làm tất cả vì con” là một điều đúng đắn, ít nhất, là đối với phụ nữ chúng mình. 

Vì, khi sinh con, sinh thường tự nhiên không dùng thuốc sẽ khiến mẹ phải trải qua nỗi đau lớn nhất mà một người bình thường có thể chịu đựng được, và em bé cũng phải nỗ lực lớn nhất để tự mình chui ra. 

Vì, khi nuôi con sữa mẹ, thì mẹ có thể phải là người duy nhất cho con ăn ít nhất trong 6 tháng đầu đời, tất cả những hỗ trợ khác bên ngoài chỉ là giúp đỡ để mẹ bớt mệt mỏi hơn. Con cũng có thể hơi đói bụng khi lực hút của chính mình chưa đủ mạnh. 

Nhưng cũng là phương án tốt nhất để bảo toàn tính mạng, giữ gìn sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của cả người mẹ lẫn người con ngay khi sinh ra cho đến khi cuối đời. Và khi đó bản năng làm mẹ của người phụ nữ và bản năng sinh tồn của đứa con cũng thể hiện rõ nhất. 

Vì, khi dạy con, cách tốt nhất để nuôi nấng tính cách của con, chính là người mẹ và cả người cha nữa, phải học cách “xử lí cảm xúc” của bản thân, chứ không phải là của người con. 

Thì khi người cha người mẹ biết kiểm soát cảm xúc của chính mình (định), thì trí ( tri thức) sẽ tăng trưởng, huệ( tình thương) sẽ khởi sinh. 

Vì, khi tạo môi trường tốt để cho con được phát triển, chính người cha người mẹ cũng được sống trong môi trường tốt đẹp đó 

Vì, khi lựa chọn những thức ăn tốt cho con, cha mẹ cũng được tiếp xúc với nguồn thực phẩm sạch. 

Các bạn có nhận ra là những bà mẹ ngày xưa, hoặc thậm chí là những chị lớn tuổi hơn mình có thể phát huy được sự “ đa zi năng” và sức bền của một người phụ nữ, tính cách mà người phụ nữ nổi bật hơn hẳn đàn ông. 

Nhưng đối với thế hệ của tụi mình, khi sức bật của nghề nghiệp đang rất tốt, thì vào vai làm mẹ, chúng ta bị chới với và cảm thấy dễ mất năng lượng? 

Vì họ tập trung hơn, họ không bị quá nhiều luồng thông tin làm xao động, và đặc biệt, họ tập trung làm mọi thứ vì con. Còn chúng ta, vừa bị nạp vào đầu bao nhiêu là các hệ tư tưởng, và còn ngồi tự vấn mình đang làm điều này vì gì đây? Vì con hay vì mình? Vì con trước hay vì mình trước? Nội những thứ đó cứ nhảy múa trong đầu chúng ta khiến chúng ta bị thao túng, bị áp lực. 

Từ đó, việc nuôi một hai đứa con và làm thêm việc nhà thôi cũng khiến chúng ta quấn hết cả lên rồi chứ đừng nói là phải làm thêm việc để kiếm tiền. Còn các mẹ ngày xưa, làm được 1 lần rất nhiều thứ, việc nào ra việc đấy mà không bị tâm trí chi phối. 

Làm tất cả vì con…. mà không kỳ vọng…..

Cái khiến chúng ta áp lực ở đây, và có lẽ là cái mà những người làm cha làm mẹ ngày xưa đã sai ở đây không phải cách nghĩ làm tất cả vì con đó, mà chính là vì đúng ra mình chỉ tập trung “làm” thôi mà không “đặt kỳ vọng”. 

Không kỳ vọng con bao nhiêu ký, đạt chuẩn hay chưa

Không kỳ vọng con không khóc, ngày xưa có những em bé khóc nguyên cả 3 tháng mười ngày. 

Không kỳ vọng con luôn khoẻ mạnh và không được ốm, ốm thì ráng dập càng nhanh càng tốt. 

Không kỳ vọng con phải “ngoan”, “ vâng lời”

Và chính mình cũng 

Không kỳ vọng chính mình phải đẹp, phải lấy lại dáng sau sinh 

Không kỳ vọng chính mình phải thể hiện sức mạnh tiền bạc khi đang nuôi nấng một con người 

Mình may mắn là một “em bé” được sinh ra trong gia đình mà cha mẹ đã làm tất cả vì con, nhưng đặt rất ít kỳ vọng vào mình. Biết vui khi mình đạt được điều gì đó, biết buồn khi mình thất bại. Nhưng không thất vọng về mình, dù đó là gì đi chăng nữa. 

Làm tất cả để cho con được đi học ở những nơi tốt nhất mà mình có thể, nhưng không kỳ vọng con phải học gì, như thế nào, và được thành tích gì. 

Cha mẹ mình đã phải chật vật để mình có thể được đi học đại học, nhưng khi mình học đến năm thứ 2, thì mình tự thấy bản thân phải ngưng lại 1 năm gap year để tìm hiểu về digital marketing. 

Như nhiều bạn biết, muốn nghỉ không phải thích là được, phải có chữ ký của cha mẹ. Mình đã lấy hết sức bình sinh để gọi điện về xin mẹ nghỉ 1 năm gap year, thế mà mẹ mình chỉ “ừ, con làm gì tuỳ con. Vì con phải chịu trách nhiệm về điều đó”, và lúc mình đưa giấy ký tên thì hỏi “ ký chỗ nào để mẹ con đi làm việc”. 

Trong khi mẹ mình, chẳng mảy may biết như thế nào là gap year, thế nào là digital, không hề biết và cũng không hề hỏi. 

Cho đến cả khi mình đi xin việc, chưa lần nào mẹ áp lực mình phải làm bao nhiêu một tháng. Câu hỏi mà mẹ hỏi nhiều nhất chỉ là, “chỗ con làm có được ngủ… trưa không” :))). 

Cũng như nhiều bạn, mình nhìn thấy cha mẹ mình phải chật vật để cho con một môi trường tốt trong học tập, vì đặt vào môi trường của họ, họ tin rằng điều đó sẽ tạo dựng một tương lai tốt, và làm tất cả vì nó.

Nhưng khi con mình có đạt được điều đó hay không, thái độ đối diện với kết quả của người làm cha mẹ, mới thực sự khiến cho người con cảm thấy vững tin trong cuộc đời này. 

Và đặc biêt là mẹ mình, mẹ vẫn vậy, vẫn tự do như thế. Vì mẹ hiểu rằng mình đã làm điều đúng cho những người con của mình. 

Thế mới hiểu, dù có đọc nhiều đến bao nhiêu trước khi bước vào hành trình làm mẹ, mình cũng không thể cảm nhận được hết. Chỉ khi có một em bé đáng yêu hiện diện trong cuộc đời mình, và là con của mình, mình mới thực sự thấm thía câu nói “làm tất cả vì con”. 

Cho nên, khi đã quyết định có một người con, “làm tất cả vì con” – thì vế ẩn đi cũng chính là “làm tất cả cho chính mình”.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều này? Comment chia sẻ ý kiến của bạn cùng mây nhé.  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *